An toàn lao động trong hàn và cắt kim loại

10/11/2019 | 1134 |
1 Đánh giá

Một số các quy định an toàn trong hàn và cắt kim loại

 

An toàn lao động trong quá trình hàn, cắt kim loại đã trở thành vấn đề đáng lưu ý khi nhiều vụ cháy nổ có nguyên nhân xuất phát từ việc vi phạm nguyên tắc an toàn lao động của các cơ sở hàn, cắt kim loại. Việc trang bị kiến thức chuyên môn về kỹ thuật, quy trình cũng như các kiến thức về phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho thợ hàn ở các cơ sở hàn, cắt kim loại là điều hết sức cần thiết để môi trường làm việc luôn được đảm bảo, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng cháy nổ, và trên hết là người lao động luôn ý thức để tự bảo vệ mình, đảm bảo mức độ an toàn là cao nhất.

Một số các quy định an toàn trong hàn và cắt kim loại được đưa ra để tham khảo, cần nắm rõ và thực hiện như sau:

A/ Các nhân tố gây nguy hiểm

  Tia hồ quang gây bỏng giác mạc

       Vật hàn nóng có thể gây bỏng

       Nguy cơ cháy cao

       Nguy cơ điện giật

       Sản sinh ra khí độc, bụi khi đốt cháy vật liệu hàn

B/ Các biện pháp an toàn cơ bản

– Người thợ hàn phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu quy định về hàn, như: Chứng nhận nghề, sức khoẻ, huấn luyện, trang bị đầy đủ phương tiện an toàn…v..v..
– Máy hàn điện phải được nối đất hoặc nối không bảo vệ.
– Kiểm tra trước khi (làm việc) hàn : Hệ thống điện phục vụ máy hàn điện đảm bảo an toàn;
Tình trạng đường ống dẫn khí, các chai chứa khí, cơ cấu an toàn, van điều áp, van dập lửa tạt lại; Độ kín của các mối liên kết ống, giữa ống với thiết bị; Dọn sạch các chất dễ cháy xung quanh bán kính cách vị trí hàn là 5m;
– Khoảng cách giữa các chai khí với vị trí hàn là 10m.
– Không dùng cột sắt, bãi tiếp địa làm cực âm khi hàn;
– Khi hàn, cắt trong các khoang, thùng hoặc phòng kín phải đảm bảo tốc độ gió từ 0,3 – 1,5m/s.
– Để đảm bảo an toàn phải xúc, rửa hoặc có biện pháp làm sạch thiết bị, thùng, hầm… có chứa các chất dễ cháy, nổ trước khi hàn. Cấm hàn, cắt các thiết bị đang chịu áp lực; các thiết bị chứa chất cháy nổ.
– Khi hàn trong khu vực có nguy cơ điện giật cao, đèn chiếu sáng di động nên dùng điện áp thấp 12V.
– Hàn hơi trong lúc di động, cấm quấn ống dẫn khí trên vai; không đóng, mở van chai khí quá nhanh.
– Phải che, chắn bảo vệ an toàn cho những người xung quanh; có hệ thống khử hơi khí độc hại cho những vị trí hàn cố định.

  • An toàn lao động đối với thợ hàn điện

1. Làm việc thợ hàn cần hội đủ các điều kiện sau:

– Trong độ tuổi lao động do nhà nước qui định.

– Đã qua khám tuyển sức khỏe bởi cơ quan y tế.

– Được đào tạo nghề hàn điện, và có chứng chỉ kèm theo, đã qua huấn luyện về BHLĐ và được cấp thẻ an toàn và được cấp trên giao nhiệm vụ.

– Sử dụng đúng và đủ các phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp phát theo chế độ: áo quần vải bạt, găng tay chịu nhiệt và có độ dẫn điện thấp, giầy da lộn cao cổ có đế cách điện, ghệt vải bạt, mặt nạ hàn có gắn kính hàn đúng mã hiệu và không bị nút, trong những trường hợp cần thiết còn được cấp mũ cứng, dây đai an toàn, khẩu trang.

2. Trong thời gian hàn đlện, các phần bằng kim loại của thiết bị hàn điện (vỏ máy biến thế hàn, máy phát điện hàn, … ) trong điều kiện bình thường không được có điện áp. Vỏ máy hàn, giá hàn, các chi tiết và kết cấu hàn phải được nối đất trước khi thiết bị được nối vào nguồn.

3. Máy phát điện và biến thế hàn, cũng như các dụng cụ và thiết bị phụ tùng dể hàn các chi tiết ở ngoài trời được đặt trong phòng nhỏ hay dưới mái che. Không tiến hành công việc hàn điện ở ngoài trời mưa.

Điện áp không tải của máy biến thế hàn hồ quang bằng tay và nửa tự động không được vượt quá 75V, hàn tự động không vượt quá 80V. Điện áp của máy phát điện hàn không được quá 80V. Nếu một số máy biến thế hàn hoặc máy phát điện phục vụ cho một máy hàn hồ quang thì sơ đồ mắc điện của chúng phải đảm bảo điện áp mạch hàn không vượt quá giới hạn trên.

4. Chiều dài dây từ nguồn điện đến thiết bị hàn di dộng không được vượt quá 10m. Lớp vỏ bọc cách điện của dây phải dược bảo vệ khỏi các hư hỏng cơ học khi rải trên mặt đất. Không dùng dây có lớp vỏ bọc hay cách điện bị hư.

Trước lúc bắt đầu hàn điện và trong thời gian làm việc phải theo dõi độ hoàn hảo của vỏ cách điện của dây dẫn, độ cách điện và cách nhiệt của cán kìm hàn, sự liên kết chắc chắn của tất cả các tiếp điểm. Phải chú ý để không cho dây dẫn tiếp xúc với nước dầu, dây cáp thép, dây điện hàn phải đặt cách các ống mềm dẫn ôxy và axêtylen, các thiết bị có ngọn lửa, khí đốt, các chi tiết hàn nóng đỏ và các đường ống dẫn nước nóng không dưới 1 mét.

5. Không cho phép cấp điện trực tiếp cho hồ quang hàn từ mạng điện lực, mạng điện chiếu sáng, mạng điện tiếp xúc.

Việc nối ngắt thiết bị hàn điện khỏi lưới, việc thay cầu chì cũng như việc theo dõi trạng thái hoàn hảo của chúng trong quá trình sử dụng phải được tiến hành bởi thợ điện chuyên nghiệp. Nghiêm cấm những người thợ hàn làm các công việc đó.

Khi di chuyển thiết bị hàn nhất thiết phải cắt chúng khỏi nguồn điện.

6. Dây dẫn điện đi và về trong máy biến thế hàn di động đều phải được bọc cách điện .

Nghiêm cấm dùng các mạch nối đất, các bộ phận của thiết bị điện, các đường ống kỹ thuật vệ sinh (ống dẫn nước, cấp nhiệt, dẫn các chất khí và chất lỏng nóng) cũng như các kết cấu kim loại của nhà và của thiết bị công nghệ làm dây dẫn về. Cho phép dùng vỏ xà lan, bể chứa, các kết cấu kim loại, các ống dẫn để làm dây dẫn về nếu chúng là đối tượng hàn.

7. Kìm điện phải có tay cầm làm bằng vật liệu cách điện, cách nhiệt cho phép thay thế điện cực nhanh mà không phải tiếp xúc với các phần mang điện.

Nghiêm cấm dùng kìm điện mà lớp vỏ bọc cách điện của tay cầm bị hư.

Cạnh chỗ hàn phải có giá đặt kìm hàn: Cấm đặt kìm hàn xuống đất hoặc gác lên vật hàn.

8. Khi tlến hành hàn trong điều kiện nguy hiểm cao bởi dòng điện (hàn bên trong các khoang tàu thủy, các thùng chứa, thân lò hơi, các hộp kim loại …) người thợ phải được cấp phát các phương tiện bảo vệ cách điện (găng tay, ủng và thảm) và phải có sự theo dõi giám sát của một người thứ hai từ bên ngoài. Trong một số trường hợp đặc biệt tay người giám sát giữ đầu mút của dây chão buộc vào eo của người đang hàn bên trong không gian kín và việc thông tin giữa hai người đó phải được qui ước bằng các động tác giật dây định sẵn trong tình trạng khẩn cấp.

Nghiêm cấm việc đồng thời thực hiện công việc bởi người thợ hàn điện và thợ hàn hơi (hay cắt) trong các thùng kín.

9. Thiết bị hàn phải có khóa liên động để tự động nối mạch khi chạm que hàn và có bộ phận khống chế hạ điện áp xuống 12 vôn khi không tải nhưng không được chậm quá 1 giây sau khi ngắt mạch điện hàn khi hàn ở những chỗ nguy hiểm.

10. Khi tiến hành hàn điện trên giàn giáo bằng gỗ, sàn của nó phải được phủ kín bằng tấm kim loại, cáctông amiăng hay bằng những vật liệu khó cháy khác. Không cho phép hàn điện nếu chưa triển khai biện pháp phòng chống cháy.

11. Khi tiến hành hàn điện trên một số tầng nhà (theo chiều thẳng đứng) phải có biện pháp bảo vệ những người làm việc ở tầng dưới khỏi bị các giọt kim loại , các mẩu que hàn cháy dở văng hoặc rơi trúng vào người hay các vật dễ cháy ở phía dưới.

Nếu làm việc trên cao mà không có giàn giáo người thợ hàn nhất thiết phải dùng dây đai an toàn bền nhiệt, có túi đựng dụng cụ, điện cực và các vật cháy dở.

12. Khi tiến hành hàn điện trong các vị trí ẩm ướt người thợ hàn phải ở trên sàn khô hay sàn được phủ tấm cách điện.

13. Để đề phòng nhiễm bệnh và tổn thương đường hô hấp do thường xuyên hít phải hơi khói hàn, tại vị trí hàn phải tổ chức thông gió (hút, cấp) cục bộ và chung. Hàn trong các thùng kín phải :

– Cấp phát cho thợ hàn mặt nạ phòng độc có dây mềm dẫn không khí.

– Tổ chức giải lao để ra ngoài hít thở không khí trong lành.

14. Nghiêm cấm hàn các bình và thiết bị đã từng chứa các sản phẩm dầu và khí nguy hiểm nổ nếu chưa qua làm sạch (xịt rửa) cẩn thận bằng nước nóng, bằng dung dịch soude hay chưng hấp với sự thông gió tiếp theo.

15. Nghiêm cấm sử dụng và bảo quản các chất dễ bắt lửa : xăng, axêton, spirit trắng, …) ở gần vị trí hàn.

Nghiêm cấm tiến hành hàn ở khoảng cách dưới 5m so với vị trí để các chất dễ cháy nổ.

16. Khi sử dụng đồng thời các nguồn điện hàn một trạm cần phải đặt chúng cách nhau không dưới 0,35m.

Đường đi giữa các nguồn điện một trạm phải có chiều rộng 0,8m.

Khi đặt các nguồn cấp một trạm ở gần tường thì khoảng cách giữa nguồn và tường không được nhỏ hơn 0,5m.

17. Khi giải lao người thợ hàn phải ngắt bộ đổi điện hàn hay biến thế khỏi lưới điện.

Nghiêm cấm để quên kìm hàn khi vẫn còn điện áp.

18. Khi kết thúc công việc, sau khi ngắt điện khỏi thiết bị hàn phải sắp xếp ngăn nắp chỗ làm việc, thu dọn dây, các dụng cụ bảo vệ và xếp đặt cẩn thận chúng vào vị trí riêng, phải tin chắc rằng sau khi làm việc không còn để lại các vật cháy âm ỉ như : giẻ, mảnh gỗ, vật liệu cách điện …

  • Hướng dẫn trang bị bảo hộ hàn

1.Lựa chọn và sử dụng mũ hàn

- Cần trang bị mũ hàn chất lượng tốt, sẽ bảo vệ Thợ hàn trước ánh sáng mạnh của hồ quang, cũng như tránh khỏi xỉ nóng chảy bắn ra từ hồ quang.

-Một phần quan trọng của mũ hàn đó là tấm kính lọc tối. Có nhiều loại kính hàn có độ tối khác nhau nó giúp giảm độ sáng xuống mức có thể nhìn được vùng hồ quang khi hàn. Độ tối của kính đi từ mức 9 đến 13 và 14. Mỗi người có mức cảm nhận tối khác nhau, nên chọn loại kính lọc nào phù hợp với mắt của mình.

- Kính lọc được bảo vệ bởi một tấm kính trong suốt khỏi tác động của xỉ hàn trong quá trình hàn. Với chiếc mũ này bộ phận giữ kính lọc được thiết kế để có thể lật lên.

- Một  tấm nhựa trong suốt ở bên trong mũ hàn giúp bảo vệ người thợ hàn khi làm sạch đường hàn mà không lo mảnh kim loại nóng bắn vào mặt.

- Một chiếc kính đeo mắt nên được sử dụng bên trong. Nó sẽ bảo vệ khỏi xỉ bắn từ dưới mũ hàn hoặc lọt từ đằng sau vào mắt.

2.Lựa chọn và sử dụng quần áo bảo vệ hàn

- Trang bị một đôi găng tay da dài để bảo vệ khỏi nguy cơ điện giật, khỏi nhiệt độ cao của hồ quang cũng như xỉ hàn nóng chảy bắn tóe.

- Cần che phủ bảo vệ các phần da khỏi tiếp xúc với ánh sáng hàn hồ quang vì nó có thể gây ra hiện tượng bỏng da. Dưới tác dụng của ánh sáng hồ quang trong thời gian dài có thể là tác nhân gây ung thư da.

- Quần áo bảo hộ cũng rất quan trọng. Áo dài tay kèm cổ cao, quần dài với chất liệu khó bắt lửa như Coton, vải bò hoặc da… Tránh sử dụng tơ nhân tạo, polyester, nylon vì khi xỉ nóng bắn phải làm chảy và gây cháy. Chất liệu Coton khá khó cháy do đó được sử dụng rộng rãi. tuy nhiên đồ da luôn là một lựa chọn tốt nhất. Cần mặc quần ống dài phủ kín cổ chân để bảo vệ chân khỏi xỉ hàn rơi vào trong giày.

- Nên trang bị loại giày bảo vệ có mũi bọc thép và đế tấm kim loại để tránh tiếp xúc với kim loại nóng chảy, cũng như tránh bị tổn thương khi bị công cụ rơi  vào chân.

Tự trang bị để bảo vệ mình là luôn luôn cần thiết để tránh bạn bị tổn thương khi tham gia công việc hàn.

An toàn trong hàn cắt kim loại thực sự là một vấn đề cấp thiết cho bất kỳ người lao động hay doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này. Hy vọng những kiến thức tham khảo này sẽ giúp ích cho mỗi chúng ta!


Tin tức liên quan

Bình luận